Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ con người như thế nào trong Kỉ nguyên Tăng cường

Huong Nguyen
Nexus FrontierTech
Published in
5 min readMay 31, 2017

--

Nếu bạn thích tưởng tượng và sáng tạo, chắc chắn bạn sẽ rất phấn khích với những gì mà công nghệ máy tính có thể hỗ trợ cho con người trong Kỉ nguyên Tăng cường, theo cách nói của diễn giả Maurice Conti ở Hội thảo toàn cầu TED. Theo ông, robot học, trí tuệ nhân tạo và hệ thống thần kinh điện tử sẽ tăng cường khả năng của con người về mặt (1) vật lý, (2) nhận thức và (3) tri giác. Với những khả năng vượt trội đó, con người có thể tạo ra những thứ mà chúng ta chưa từng nghĩ tới. Hãy cùng khám phá những dự án thiết kế trên thế giới để hiểu hơn về các công nghệ này và “Con người Tăng cường” nhé!

Đăng ký email tại đây để nhận được bài viết về công nghệ và khởi nghiệp của Innovatube hàng tuần.

Nguồn: BroBible

Robot, không phải là điều mới lạ, là những cỗ máy có thể thực hiện những chuyển động, lắp ráp vật lý một cách chính xác, với sự lặp đi lặp lại. Robot mang đến sự hỗ trợ cho con người về mặt vật lý. Điều này không có nghĩa là tất cả những công việc vật lý của con người sẽ bị thay thế bởi robot. Thực ra, con người và robot có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, bởi con người có sự khéo léo mà robot khó có được, còn robot lại có khả năng lặp lại chính xác mà con người không theo kịp. HIVE là một dự án được thực hiện bởi sự kết hợp giữa con người và máy móc, dựng lên một mô hình rạp tre vô cùng phức tạp.

Nguồn: University of Stuttgart

Sự tăng cường tiếp theo cho con người là về mặt nhận thức, đến từ trí tuệ nhân tạo. Sự tăng cường này đã và đang diễn ra. Nhưng những gì chung có thể làm chỉ dừng lại ở mức thụ động — làm những gì ta yêu cầu. Ngay cả Siri của Apple cũng chỉ thực hiện những hành vi dưới mệnh lệnh hay chỉ dẫn của chủ nhân. Đây chỉ là sự khởi đầu cho tiềm năng của trí tuệ nhân tạo. Ở một trình độ cao hơn, trí tuệ nhân tạo sẽ có khả năng kiến tạo. Đó là khi chỉ với mục tiêu và những giới hạn mà con người đưa ra, máy tính có thể tự động tạo ra thành phẩm. Ví dụ, nếu bạn đưa ra yêu cầu thiết kế một máy bay không người lái, có 4 cánh quạt, nhẹ nhất có thể, hiệu quả nhất về khí động học; máy tính sẽ chạy các thuật toán để tạo ra hàng triệu mô hình đáp ứng yêu cầu mà không cần một bản nháp nào. Và không phải vô tình khi nó trông giống một con sóc bay.

Nguồn: Maurice Conti’s TED Talk

Cách thiết kế này, kết hợp với sự hỗ trợ của robot với công nghệ in 3D đang được Airbus áp dụng cho chiếc A320 và nhóm MX3D áp dụng để dựng lên một chiếc cầu ‘tự xây’ ở Amsterdam.

Nhưng ở một trình độ cao hơn, trí tuệ nhân tạo không chỉ tạo ra hàng loạt kết quả tương tự nhau, mà còn có thể “học” từ kinh nghiệm để đưa ra sự lựa chọn tối ưu, không có sự hỗ trợ của con người. Trí tuệ nhân tạo ở mức độ này được gọi là có “trực giác”, hay khả năng học và đưa ra phán đoán. AlphaGo của DeepMind là một ví dụ điển hình, khi mà máy tính, sau khi được trải nghiệm với vô số người chơi thì đã trở nên “giỏi” hơn cả những kì thủ hàng đầu.

Hỗ trợ cho việc học của trí tuệ nhân tạo có Hệ thống Thần kinh Điện tử. Đó chính là những tín hiệu từ môi trường, từ trải nghiệm, được ghi nhận qua hệ thống cảm biến hình ảnh, cơ học, âm thanh… Đây chính là sự tăng cường cho con người về mặt tri giác. Một ví dụ của hệ thống thần kinh điện tử là những thiết kế xe đua của Maurice Conti hợp tác với Bandito Brothers. Họ trang bị cho xe hàng loạt cảm biến, và để những tay đua mang chúng ra sa mạc trải nghiệm trong một tuần. Bằng cách đó, họ có thể thu thập bốn triệu điểm dữ liệu, sau đó đưa cho trí tuệ nhân tạo xử lí và thiết kế ra chiếc xe đua “trùm cuối”.

Sau khi hiểu vể sự tăng cường về mặt vật lý, nhận thức và tri giác mà robot, trí tuệ nhân tạo và hệ thống thần kinh điện tử mang lại cho con người, tầm nhìn của bạn về tương lai có thay đổi như thế nào? Hãy viết ở phần bình luận để chia sẻ nhé!

Đăng ký email tại đây để nhận được bài viết về công nghệ và khởi nghiệp của Innovatube hàng tuần.

--

--