Sequoia Capital kiện Binance, Y Combinator vào Trung Quốc và những tin tức nổi bật trong tuần qua

Louis Nguyen
Nexus FrontierTech
Published in
6 min readMay 9, 2018

--

Asia Startup Funding Landscape Newsletter — dự án từ Innovatube Capital ra đời với mong muốn cung cấp cho độc giả những thông tin cập nhật nhất về tình hình của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và các thông tin nổi bật về startup và công nghệ tại Châu Á.

1, Một số thông tin nổi bật trong tuần

Đội ngũ Binance. Nguồn: Binance.
  • Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital nộp đơn kiện sàn giao dịch tiền mã hoá Binance vào tháng 4 vừa qua. Sequoia Capital và Binance vào tháng 8 năm ngoái đã bắt đầu thoả thuận về một thương vụ đầu tư, trong đó Sequoia sẽ nhận được 11% cổ phần của Binance với định giá 80 triệu USD. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm 2017, khi giá Bitcoin gần chạm mốc 20,000 USD, thoả thuận này đã bị dừng lại khi các cổ đông của Binance cho rằng điều khoản đầu tư này đánh giá quá thấp giá trị của Binance. Cùng lúc này, Binance nhận được một đề nghị đầu tư khác từ IDG Capital, với định giá 1 tỷ USD. Hiện tại, Binance đã trở thành một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá với khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới. (Bloomberg).
  • Go-Jek công bố rằng công ty sẽ sớm tham gia vào thị trường video trực tuyến với một nền tảng video streaming có trả phí. Được đạt tên là Go-Play, nền tảng sẽ tập trung hỗ trợ các nội dung gốc từ nhà sản xuất mà Go-Jek sở hữu: So-Studios, bao gồm các phim tài liệu, phim ngắn và các sản phẩm khác từ các nhà làm phim tại Indonesia được sản xuất độc quyền cho Go-Play, với mức độ tập trung “95% vào Indonesia". (Tech In Asia)

2, Những thương vụ đầu tư đáng chú ý

Logo của SoftBank
  • SoftBank Group và quỹ đầu tư CapitalG của Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) vừa đầu từ 1,9 tỷ USD vào nền tảng gọi xe tải Manbang, Trung Quốc. Manbang, thường được gọi với cái tên “Uber cho xe tải” của Trung Quốc, vận hành ứng dụng cho phép người gửi hàng kết nối với các tài xế xe tải, giúp phục vụ nhu cầu của một trong những thị trường vận tải hàng hoá lớn nhất thế giới. (Reuters).
  • Công ty Grab Inc., vừa mua lại đơn vị tại Đông Nam Á của Uber Technologies Inc., đang tiếp tục chuẩn bị gọi 1 tỷ USD vốn đầu tư. Vòng gọi vốn này, là vòng gọi vốn thứ 8 của Grab từ khi thành lập từ 2012, có thể nâng định giá của Grab lên mức 10 tỷ USD. Với vị trí vững chắc tại thị trường Đông Nam Á sau khi mua lại đơn vị của Uber, Grab sẽ sử dụng nguồn vốn này để tiếp tục mở rộng trong phạm vi Đông Nam Á. (The Wall Street Journal).
  • Nền tảng thương mại điện tử xã hội Yunji, Trung Quốc vừa gọi 120 triệu USD vốn với nhà đầu tư chính là CDH Investment. Thành lập từ năm 2015, Yunji đến nay đã đang có 30 triệu khách hàng với doanh thu trong năm 2017 đạt 1.58 tỷ USD. Khách hàng chính của Yunji là các nhà phân phối vừa và nhỏ đã mất đi lợi thế cạnh tranh về giá và logistics do xu hướng bán hàng trực tiếp cua các thương hiệu. (China Money Network).
CEO Kenta Kurahashi (trái) và CTO Naoki Shibayama (phải) của Plaid.
  • Plaid Inc., một startup Nhật Bản cung cấp dịch vụ phân tích web thời gian thực vừa công bố gọi thêm 25 triệu USD từ các nhà đầu tư cũ và vay ngân hàng. Sản phẩm Karte của Plaid Inc cung cấp giải pháp phân tích và hình ảnh hoá dữ liệu người dùng. Plaid Inc. sẽ sử dụng nguồn vốn để gia tăng quy mô về nhân sự cũng như phát triển hệ thống để xử lý được lượng dữ liệu không ngừng tăng lên. (Deal Street Asia).
  • Nhà cung cấp giải pháp đóng gói sản phẩm Bizongo vừa gọi 22 triệu USD với nhà đầu tư chính là quỹ đầu tư mạo hiểm B Capital Group và International Finance Corporation, với sự tham gia của các nhà đầu tư cũ Accel Partners và IDG Ventures. Bizongo cung cấp giải pháp tự động trọn gói bao gồm thiết kế, triển khai và nghiệm thu cho hơn 300 khách hàng trong 5 lĩnh vực khác nhau: FMCG, thực phẩm, bán lẻ, chuỗi cung ứng và thương mại điện tử. (EconomicTimes)

3, Những thông tin về M&A và IPO đáng chú ý

Cửa hàng của Xiaomi ở Shenzhen, Trung Quốc. Nguồn: Xiaomi
  • Xiaomi Corp., chuẩn bị niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong, là công ty lớn nhất thế giới IPO kể từ năm 2014. Xiaomi dự kiến gọi 10 tỷ USD qua thương vụ IPO này, với định giá công ty có thể lên đến 100 tỷ USD. Xiaomi có kế hoạch thâm nhập vào các nước phát triển với sản phẩm smartphone của mình, đồng thời củng cố vị trí của mình ở các thị trường mới nổi. Ngoài smartphone, Xiaomi đã đầu tư và mua lại nhiều startup với danh mục sản phẩm phần cứng đa dạng, từ thiết bị đeo thông minh đến nồi cơm điện. (Bloomberg)
  • Co-working space Ucommune của Trung Quốc vừa công bố một khoản đầu tư chiến lược vào đối thủ Workingdom và sẽ sáp nhập với công ty này. Thương vụ này sẽ giúp Ucommune sở hữu thêm 20 địa điểm, 4 dòng sản phẩm, 50,000 mét vuông và 15,000 thành viên cho chuỗi co-working space của mình. Đây là vụ sáp nhập thứ 4 của Ucommune trong năm 2018: trong quý I, Ucommune đã sáp nhập với New Space (trong tháng 1), Woo Space và Wedo (trong tháng 3). (Deal Street Asia).
CEO Melanie Perkins của Canva. Nguồn: Entrepreneur.
  • Startup giải pháp thiết kế trực tuyến Canva vừa mua lại Zeetings, một công ty tại Sydney giúp người dùng thiết kế những bài thuyết trình có tính tương tác. Điều khoản của vụ mua lại này không được công bố. Được thành lập bởi 4 nhà sáng lập Robert Kawalsky, Tony Surtees, Neill Miller, and Adam Schuck, Zeetings cho phép người dùng thêm những yếu tố mang tính tương tác, như bỏ phiếu hay group chat vào bài thuyết trình mà khán giả có thể tham gia vào bằng thiết bị của họ. (Startup Daily).

4, Những thông tin về các quỹ đầu tư, accelerators, incubators đáng chú ý

Y Combinator Demo Day 2013.
  • Vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator tại Silicon Valley chính thức đặt chân đến Trung Quốc và cháo đón các startup trong mọi giai đoạn tham gia vào chương trình của mình. Thành lập vào năm 2005, Y Combinator đã đầu tư vào hơn 1400 công ty, bao gồm một danh sách dài những công ty thành công như Airbnb, Dropbox, Reddit. (TechNode).
  • Thành phố Thâm Quyến, nơi được gọi là “Silicon Valley" của Trung Quốc, nhà của nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bao gồm Tencent, Huawei, ZTE vừa công bố quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho blockchain trị giá 80 triệu USD của mình. Thâm Quyến là thành phố thứ hai tại Trung Quốc thành lập một quỹ đầu tư cho blockchain, sau khi thành phố Hàng Châu thành lập quỹ đầu tư được hỗ trợ bởi chính phủ trị giá 1.6 tỷ USD để đầu tư vào các công ty sử dụng công nghệ blockchain. (China Money Network).

Bạn muốn gọi vốn cho ý tưởng đột phá của mình? Liên hệ với chúng tôi!

--

--