Ofo rời Đức, Go-Jek đổ bộ TP HCM và những tin tức đáng chú ý tuần qua

Louis Nguyen
Nexus FrontierTech
Published in
8 min readJul 23, 2018

--

Asia Startup Funding Landscape Newsletter — dự án từ Innovatube Capital ra đời với mong muốn cung cấp cho độc giả những thông tin cập nhật nhất về tình hình của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và các thông tin nổi bật về startup và công nghệ tại Châu Á.

1, Một số thông tin nổi bật trong tuần

  • Dịch vụ chia sẻ xe đạp Ofo của Trung Quốc mới đây đã rời khỏi thị trường Đức. Hiện tại Ofo có hơn 3000 xe đạp tại thủ đô Berlin của Đức. Lượng xe đạp này sẽ được chuyển đến các vùng khác của Châu Âu. Trong vài tháng vừa qua, Ofo đã rút khỏi nhiều thị trường quốc tế, bao gồm Australia, Trung Đông, Ấn Độ và Anh để tập trung vào một số thị trường chính, đồng thời đối mặt với tin đồn rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt. (TechNode)
  • Khách du lịch nước ngoài từ Trung Quốc đến Singapore đã có thể mua hàng tại sân bay Changi của Singapore với ứng dụng WeChat Pay, theo thoả thuận hợp tác kéo dài 3 năm giữa WeChat và sân bay Changi. Theo ban điều hành sân bay, khách du lịch Trung Quốc chiếm đến 1/3 doanh thu bán hàng tại sây bay trong năm 2017, đồng thời Trung Quốc cũng là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất đến Singapore. Theo giám đốc marketing Edwin Lim của Changi, các công ty tại đây có thể gửi các tin nhắn quảng cáo đến cho khách hàng qua ứng dụng WeChat. (KrASIA)
  • Ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia sẽ tiến hàng thử nghiệm 5 ngày cho 2 dịch vụ Go-Bike và Go-Send tại một số quận của Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 7. Trong tháng 6, Go-Jek vừa công bố hai công ty con tại Việt Nam (Go-Viet) và Thái Lan (GET), đánh dấu cuộc mở rộng ra các thị trường quốc tế của mình. Go-Viet sẽ chính thức hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9, sau đó sẽ được nhanh chóng mở rộng ra Hà Nội và các tỉnh thành khác. “Chiến lược của chúng tôi là kết hợp công nghệ hàng đầu thế giới phát triển bởi Go-Jek với kiến thức sâu rộng về thị trường nội địa của đội ngũ địa phương, từ đó tạo ra các công ty địa phương thực sự thấu hiểu người dùng", CEO và founder Nadiem Makarim của Go-Jek cho biết. (Deal Street Asia)

2, Những thương vụ đầu tư đáng chú ý

  • Nền tảng đặt vé sự kiện giải trí trực tuyến của Ấn Độ BookMyShow vừa gọi 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D của mình, với nhà đầu tư chính là TPG Growth. Lĩnh vực đặt vé xem phim tại Ấn Độ đang diễn ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ, với BookMyShow công bố bán được 12 triệu vé mỗi tháng với lượng người dùng hoạt động thường xuyên là 30 triệu người. Trong khi đó, đối thủ Paytm công bố bán được 52 triệu vé trong năm ngoái, tăng trưởng 500% kể từ tháng 5 năm 2016. (EconomicTimes)
  • Startup công nghệ giáo dục tại Ấn Độ Unacademy vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series C trị giá 21 triệu USD từ Sequoia Capital, Nexus Ventures và SAIF Partners. Đây là vòng gọi vốn thứ 6 của Unacademy, nâng tổng số vốn mà Unacademy đã gọi lên 39 triệu USD. Công ty đã gọi 11.5 triệu USD vòng Series B từ Sequoia và SAIF vào năm ngoái. Unacademy công bố có 3000 người cung cấp nội dung trên nền tảng của mình, với tổng số 40 triệu lượt xem. (Entrackr)
  • Snowball Finance, nền tảng đầu tư xã hội tại Trung Quốc vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series D trị giá 120 triệu USD, với Ant Financial là nhà đầu tư chiến lược mới. Trước đó, Snowball Finance đã gọi 53.1 triệu USD qua 3 vòng gọi vốn. Thành lập vào năm 2010, Snowball Finance bắt đầu với việc sử dụng công nghệ để cung cấp thông tin về định giá và các dịch vụ giao tiếp tương tác cho các nhà đầu tư Trung Quốc, những người đầu tư vào nhiều loại sản phẩm tài chính khác nhau tại nhiều thị trường khác nhau như Hong Kong hay Mỹ. (KrASIA)
  • Startup công nghệ thực tế ảo cho bất động sản Foyr tại Singapore vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series A trị giá 4.2 triệu USD. Công ty dự định sẽ sử dụng lượng vốn này để tiến vào thị trường Mỹ, nơi được xem sẽ trở thị trường lớn nhất của Foyr trong 2 năm. Thành lập vào năm 2015 bởi Shailesh Goswami, nền tảng của Foyr kết hợp hiển thị hình ảnh và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ việc ra quyết định trong lĩnh vực bất động sản. Foyr hỗ trợ kiến trúc sư, môi giới và các nhà thiết kế nội thất trong việc thiết kế và trình bày ý tưởng dạng 3D trên các thiết bị năng lượng thấp như điện thoại di động. (e27)
  • Công ty dữ liệu tài chính Advance.ai của Trung Quốc vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series B+ trị giá 50 triệu USD từ China's Vision Capital, GSR Ventures, Zhen Fund và các quỹ khác. Nền tảng của Advance.ai cung cấp dịch vụ phát hiện gian lận cho các khoản vay, nhận diện khuôn mặt phục vụ kiểm định thông tin khách hàng và các dịch vụ phân tích dữ liệu khác. Một nửa doanh thu của Advance.ai đến từ các khách hàng nước ngoài như tập đoàn viễn thông Axiata Group của Malaysia, ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia và công ty công nghệ tài chính Weshare của Trung Quốc. (China Money Network)

3, Những thông tin về M&A/IPO/Trade Sale đáng chú ý

  • Tập đoàn đầu tư Temasek Holdings của Singapore vừa mua lại cổ phần trị giá ít nhất 30 triệu USD từ dịch vụ gọi xe Ola của Ấn Độ. Ola cũng đang trong quá trình đàm phán với Temasek để gọi vốn trong một thoả thuận khác, bao gồm cả việc mua lại cổ phần và đầu tư mới. Theo thoả thuận này, Temasek được cho là sẽ tiếp tục mua lại 150–200 triệu USD cổ phần từ Ola. Trong năm ngoái, Ola đã gọi 1 tỷ USD vốn, hầu hết từ SoftBank và Tencent, nâng tổng số vốn gọi được lên gần 2.5 tỷ USD, trở thành startup giá trị thứ 3 của Ấn Độ, sau Flipkart và Paytm. (LiveMint)
  • Ứng dụng mua sắm theo nhóm Pinduoduo của Trung Quốc lên kế hoạch gọi 1.63 tỷ USD khi IPO tại Mỹ, có thể trở thành IPO lớn thứ 2 của một công ty Trung Quốc tại Mỹ trong năm nay. Trong IPO này, Pinduoduo dự định bán 85.6 triệu cổ phần với mức giá trong khoảng 16 đến 19 USD. Pinduoduo là công ty mới nhất trong số hàng loạt những công ty công nghệ Trung Quốc IPO tại nước ngoài, tìm kiếm nguồn tiền mới để cạnh tranh với các đối thủ trong nước, trong đó phải kể đến Alibaba và JD.com, ngay cả khi căng thẳng thương mại Mỹ — Trung leo thang. (Reuters)

4, Những thông tin về các quỹ đầu tư, accelerators, incubators đáng chú ý

Đội ngũ Entrepreneur First.
  • Entrepreneur First (EF), một nền tảng kết nối những người tài năng để xây dụng các startup từ con số 0, vừa công bố loạt thứ 3 gồm 23 startup tại Investor Day ở Singapore. Sự kiện đánh dấu hoàn thành chương trình 6 tháng cho 45 nhà sáng lập. Các nhà sáng lập này sẽ gặp các nhà đồng sáng lập, phát triển ý tưởng, khởi động công ty của mình trong chương trình, với sự giúp đỡ của mạng lưới EF. Các startup này tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi nhiều ngành công nghiệp như sản xuất, giải trí và y tế trên toàn cầu. (e27)
  • Quỹ đầu tư tập trung vào công nghệ tiên phong Bharat Innovation Fund (BIF) của Ấn Độ vừa công bố gọi thành công quỹ 100 triệu USD của mình. Kunal Upadhyay, giám đốc quản lý của BIF cho biết: “Các nhà sáng lập Ấn Độ đang tạo ra những sản phẩm tầm quốc tế trong nhiều lĩnh vực như y tế, sinh học, nông nghiệp, năng lượng… với những nghiên cứu đột phá trong trí tuệ nhân tạo, machine learning, IoT… BIF sẽ là chất xúc tác cho những startup công nghệ tiên phong này, cung cấp cho họ vốn, thị trường, hỗ trợ chiến lược và kết nối đối tác.” (Deal Street Asia)
  • Công ty đầu tư chuyên vào lĩnh vực robot Cyberdyne của Nhật Bản vừa công bố quỹ trị giá 82 triệu USD để đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực y tế và cybernic. Cybernic là một lĩnh vực nghiên cứu mới, trong đó tích hợp khoa học thần kinh, robot, công nghệ thông tin, kĩ thuật, kinh tế và một vài lĩnh vực khác. Tập trung vào các lĩnh vực y tế, phúc lợi và hỗ trợ sinh hoạt, Cyberdyne kết hợp các chức năng của con người, robot và hệ thống thông tin để hỗ trợ tương tác giữa cử động vật lý của con người và hệ thống thông tin, Cyberdyne cho biết. (Deal Street Asia)

Bạn muốn gọi vốn cho ý tưởng đột phá của mình? Liên hệ với chúng tôi!

--

--