GrabFood khởi động, SenseTime lại gọi $620M vốn và những tin tức đáng chú ý trong tuần

Louis Nguyen
Nexus FrontierTech
Published in
8 min readJun 5, 2018

--

Asia Startup Funding Landscape Newsletter — dự án từ Innovatube Capital ra đời với mong muốn cung cấp cho độc giả những thông tin cập nhật nhất về tình hình của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và các thông tin nổi bật về startup và công nghệ tại Châu Á.

1, Một số thông tin nổi bật trong tuần

Người vận chuyển của GrabFood đang lấy đồ ăn tại tiệm.
  • Grab vừa khởi động dịch vụ vận chuyển đồ ăn GrabFood tại Malaysia và Singapore, thay thế cho UberEats trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến vào cuối quý 3, GrabFood sẽ có mặt tại Việt Nam và Philippines, những thị trường mà UberEats trước đây chưa có mặt. James Ong, lãnh đạo của GrabFood tại Singapore cho biết phần lớn các đối tác vận chuyển của GrabFood là đối tác trước đây của UberEats, đội ngũ kỹ sư của GrabFood cũng bao gồm cả nhân viên Grab và cựu nhân viên Uber. (Tech In Asia)
  • Tại sự kiện Cainian Network 2018, Global Smart Logistics Summit, Alibaba vừa công bố robot vận chuyển không người lái của mình với tên gọi G Plus. Robot G Plus được cho là dễ dàng để sản xuất trên quy mô lớn và có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau. So sánh với người tiền nhiệm, G Plus có thể di chuyển được trên quãng đường lớn hơn, đồng thời có hộp đựng đồ có thể thay đổi kích cỡ tuỳ thuộc vào kích cỡ của gói hàng cần vận chuyển. (Interesting Engineering)
Drone của Ele.me.
  • Dịch vụ vận chuyển đồ ăn Ele.me của Trung Quốc vừa được cấp phép thử nghiệm dịch vụ vận chuyển bằng drones tại Thượng Hải vào ngày 29 tháng 5. Có tổng cộng 17 tuyến vận chuyển được thử nghiệm, tất cả đặt tại khu vực Jinshan Industrial Park, ngoại ô Thượng Hải. Drones sẽ thực hiện chặng vận chuyển chính, chiếm 70% khoảng cách vận chuyển, trong khi việc xếp hàng và gửi hàng đến người nhận sẽ được thực hiện bởi người. Theo Ele.me, sử dụng drone cho vận chuyển tiết kiệm hơn sử dụng người, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển trung bình từ 30 phút xuốn 20 phút. (TechNode)
  • Nền tảng dịch vụ du lịch từ Indonesia Traveloka vừa công bố nhiều dịch vụ khác nhau, trong đó có dịch vụ thuê xe hơi. Trước đó, Traveloka cũng đã cho khởi động dịch vụ đặt vé xe buýt, Traveloka Eats và dịch vụ cho vay PayLater. Phó chủ tịch của Traveloka Christian Suwarna giải thích rằng dịch vụ cho thuê xe sẽ góp phần hoàn thiện sản phẩm của Traveloka, với việc tích hợp tất cả các tiện ích du lịch vào cùng một ứng dụng, khi mà thuê xe sẽ dễ dàng như đặt vé máy bay hay đặt vé tàu. (e27)

2, Những thương vụ đầu tư đáng chú ý

Tiến sĩ Li Xu, co-founder/CEO của SenseTime.
  • Sau khi vừa gọi được 600 triệu USD vòng Series C từ Alibaba và nhiều nhà đầu tư khác tháng qua, startup trí tuệ nhân tạo trong mảng nhận diện khuôn mặt SenseTime tiếp tục công bố gọi được 620 triệu USD vòng Series C+ từ Fidelity International. SenseTime cung cấp công nghệ của mình cho chính phủ và các công ty để kiểm soát các đối tượng tình nghi bằng việc scan khuôn mặt tại các địa điểm công cộng. Vòng gọi vốn này đưa định giá của SenseTime lên đến 4.5 tỷ USD. Trước vòng gọi vốn này, SenseTime đã là startup trí tuệ nhân tạo giá trị nhất thế giới. (Deal Street Asia)
  • Sentinel Protocol, một nền tảng thông tin được xây dựng trên blockchain vừa gọi được 8 triệu USD vốn qua ICO, với 82.75 triệu token Uppsala (UPP) được bán. Sentinel Protocol bảo vệ người sử dụng và các nhà đầu tư vào tiền mã hoá bằng việc phân tích các giao dịch khả nghi và các mã độc. Tất cả các mối nguy đã và chưa được nhận diện đều được lưu trữ trên blockchain tích hợp trực tiếp tới ví và sàn giao dịch tiền mã hoá — đồng nghĩa với việc các hoạt động khả nghi có thể bị ngăn chạn trước khi giao dịch được hoàn thành. (e27)
  • Startup công nghệ nông nghiệp tại Bengaluru Stellapps vừa được đầu tư 14 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, trong đó bao gồm quỹ Bill and Melinda Gates Foundation và IndusAge Partners. Thành lập vào năm 2011 bơi nhà sáng lập Ranjith Mukundan và Venkatesh Seshasayee, Stellapps cung cấp các giải pháp công nghệ trọn gói cho các sản phẩm liên quan đến sữa động vật, thông qua việc tối ưu hoá và kiểm soát quy trình tại trang trại, giúp nông dân tối đa lợi nhuận và giảm thiểu công sức. (Inc42)
  • Cinnamon, một startup Nhật Bản sử dụng trí tuệ nhân tạo cho các giải pháp cải thiện năng suất làm việc và khả năng sáng tạo ở công sở, vừa công bố gọi được 9 triệu USD bao gồm cả vốn đầu tư và nợ từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, bao gồm SBI Investment và nhiều ngân hàng lớn tại Nhật Bản. Với khoản đầu tư này, Cinnamon sẽ tiếp tục tuyển dụng các kỹ sư trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, phát triển công nghệ cốt lõi, đầu tư vào R&D để phát triển các sản phẩm mới như nhận diện giọng nói. (Deal Street Asia)
  • Kneron, một startup trí tuệ nhân tạo vừa gọi được 18 triệu USD vòng Series A1 với nhà đầu tư chính là quỹ đầu tư mạo hiểm từ Hong Kong Horizons Ventures. Thành lập từ năm 2015 bởi Albert Liu, Kneron thiết kế và phát triển các giải pháp phần mềm và phần cứng dựa trên trí tuệ nhân tạo cho nhà thông minh, giám sát thông minh, smartphones, robot, drones và các thiết bị IoT. Tính đến hiện tại, Kneron đã gọi được 33 triệu USD vốn. (Deal Street Asia)

3, Những thông tin về M&A/IPO/Trade Sale đáng chú ý

Đội ngũ sáng lập Treebo Hotels, bao gồm Rahul Chaudhary, Sidharth Gupta và Kadam Jeet Jain.
  • Sau khi vừa gọi được 34 triệu USD vòng Series C vào tháng 8 năm ngoái, startup chuỗi khách sạn giá rẻ ứng dụng công nghệ cao Treebo Hotels vừa mua lại nền tảng thông tin sự kiện Events High. Events High cung cấp thông tin về nhiều hoạ động và sự kiện khác nhau, đồng thời cho phép người dùng đặt vé các dịch vụ như leo núi, học nấu ăn, học nhảy, hoà nhạc, trải nghiệm văn hoá tại nhiều thành phố khác nhau tại Ấn Độ. Bước đi này sẽ giúp Treebo thâm nhập vào thị trường sự kiện đang tăng trưởng mạnh mẽ với quy mô ~180 tỷ USD toàn cầu và ~5 tỷ USD tại Ấn Độ. (Inc42)
  • Nhà sáng lập người Singapore Eric Cheng vừa mua lại 100% cổ phần của hai công ty vận hành nền tảng giao dịch ngoại tệ và tiền mã hoá với tổng trị giá 50 triệu USD: FX Trade và BitTrade. Trong đó, BitTrade là một trong 16 sàn giao dịch tiền mã hoá được cấp phép hoạt động bởi chính phủ Nhật Bản. Các sàn giao dịch tiền mã hoá vừa chính thức được hợp pháp hoá vào năm ngoái tại Nhật Bản. Vào tháng 12 năm 2017, gần 1/3 số lượng giao dịch bitcoin toàn cầu được thực hiện bằng đồng Yên Nhật. (Deal Street Asia)

4, Những thông tin về các quỹ đầu tư, accelerators, incubators đáng chú ý

Đội ngũ TRIVE và ICON.
  • TRIVE vừa công bố hợp tác với ICON Foundation với mục tiêu cung hỗ trợ các startup và cộng đồng blockchain tại khu vực Đông Nam Á. TRIVE là một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á, tập trung vào các công ty gọi vốn vòng Seed và Series A. ICON là một nền tảng blockchain có trụ sở tại Thuỵ Sĩ sinh ra với mục đích xử lý vấn đề tương tác giữa các blockchain với nhau mà không cần trung gian. Trong thời gian tới, TRIVE và ICON sẽ phát triển các khoá học lập trình blockchain trên nền tảng ICON tại các trường lập trình của TRIVE, bao gồm Upcode Academy Singapore và Coder School Vietnam. (e27)
  • Binance, sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới vừa công bố thành lập quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD, Ella Zhang, trưởng bộ phận Binance Lab vừa công bố tại một hội thảo trực tuyến. Binance Lab sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án blockchain chất lượng cao, tất cả các khoản đầu tư sẽ được thực hiện với đồng Binance Coin. Binance Lab cũng sẽ lựa chọn 20 đối tác cho quỹ của mình, là các nhà đầu tư trong mảng blockchain và cryptocurrency, có tài sản quản lý trên 100 triệu USD. (China Money Network)
Miko Matsumura, nhà điều hành Gumi Cryptos.
  • Gumi, một nhà phát triển game di động từ Nhật Bản vừa khởi động quỹ đầu tư có tên gọi Gumi Cryptos trị giá 30 triệu USD để đầu tư vào các dự án blockchain và cryptocurrency tiềm năng trên toàn cầu, đồng thời hứa hẹn sẽ mang lại cho các công ty được đầu tư khả năng thâm nhập thị trường Nhật Bản. Thành lập vào năm 2007, Gumi nổi tiếng với các sản phẩm game như Brave Frontier và The Alchemist, đã mở rộng ra nhiều thị trường khác nhau, bao gồm Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Mỹ, đồng thời đã IPO tại Sàn Chứng khoán Tokyo vào năm 2014. (Tech In Asia)

Bạn muốn gọi vốn cho ý tưởng đột phá của mình? Liên hệ với chúng tôi!

--

--